Điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em là vấn đề vô cùng phức tạp. Đáp ứng ở các bệnh nhân cũng rất khác nhau. Cùng tìm hiểu về các phương pháp điều trị bệnh ở trẻ em, các tác dụng, phản ứng phụ và hiệu quả của chúng ra sao đối với căn bệnh này tại bài viết dưới đây!
Điều trị căn nguyên hội chứng thận hư ở trẻ em
Hội chứng thận hư thường gây phù và giảm khối lượng tuần hoàn do mất albumin qua đường nước tiểu. Ngoài điều trị căn nguyên gây bệnh, điều trị triệu chứng phù và giảm khối lượng tuần hoàn cũng vô cùng quan trọng nhằm tránh biến chứng của bệnh.
Giảm phù
- Ăn chế độ giảm muối và hạn chế nước: Muối gây giữ nước tại khoảng kẽ, đồng thời cung cấp quá nhiều nước cũng gây nặng thêm tình trạng phù.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu làm tăng thải nước qua đường tiểu, nhờ vậy cơ thể bớt phù. Nhóm thuốc lợi tiểu thường được sử dụng là nhóm đối kháng aldosteron như spironolactone, verospiron, aldactone… Đây là nhóm lợi tiểu tác dụng yếu nhưng không làm mất kali, dùng được cả đường uống và đường tiêm. trường hợp có suy thận, thường dùng lợi tiểu furosemid có tác dụng mạnh, gây hạ kali trên người bệnh.
Lưu ý: Đáp ứng trên người bệnh là rất khác nhau. Khi phù không giảm, có thể xem xét tăng liều hoặc phối hợp thuốc.
Bù khối lượng tuần hoàn
Bệnh nhân hội chứng thận hư bị mất albumin ra nước tiểu do đó gây giảm albumin máu, dẫn đến giảm áp lực keo của máu mà hậu quả là nước không giữ được trong lòng mạch. Việc bù khối lượng tuần hoàn ở trẻ em càng quan trọng hơn vì trẻ có thể tích tuần hoàn nhỏ, cơ chế thích nghi chưa hoàn thiện.
- Biện pháp thường dùng là truyền albumin người. Chú ý không nên truyền quá nhanh và quá nhiều, đề phòng khối lượng tuần hoàn tăng ồ ạt gây phù phổi cấp, trụy tim mạch. Chỉ sử dụng albumin trong trường hợp trẻ có albumin máu quá thấp, phù to, chuẩn bị phẫu thuật hoặc can thiệp.
- Các chế phẩm khác có thể sử dụng là plasma, dung dịch keo, muối sinh lý: Cũng có tác dụng bù lại thể tích tuần hoàn nhưng tác dụng yếu hơn.
Điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em bằng liệu pháp miễn dịch
Các thuốc corticoid và ức chế miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân bị hội chứng thận hư nguyên phát (chiếm đa số ở trẻ em mắc hội chứng thận hư).
- Corticoid là thuốc đầu tay: Prednisolon, prednison và các thuốc khác có liều tương đương. Chúng thường được chỉ định trong các thể tổn thương cầu thận tối thiểu, viêm cầu thận tăng sinh gian mạch và xơ hóa cầu thận ổ cục bộ. Nếu chưa xác định được thể bệnh cầu thận, liệu pháp corticoid vẫn được chỉ định điều trị đầu tiên.
- Phác đồ điều trị: Chia nhiều giai đoạn tấn công, củng cố và duy trì.
- Giai đoạn tấn công: Khởi đầu với liều 1-2mg/kg cân nặng/ngày (tổng liều không quá 80mg). Uống hai lần một ngày trong vòng 4-8 tuần. Có thể sử dụng đường truyền tĩnh mạch nếu trẻ không uống được hoặc bệnh quá nặng.
- Giai đoạn củng cố: Giảm dần liều corticoid cho đến 10mg/ngày hoặc đến ngưỡng bệnh không bùng phát. Thời gian giảm liều kéo dài khoảng bốn tháng.
- Giai đoạn duy trì: Tiếp tục uống 5-10mg/ngày kéo dài nhiều năm.
- Thời gian điều trị: thời gian điều trị phụ thuộc vào thể bệnh và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Có thể tăng liều hoặc kéo dài thời gian điều trị hơn so với phác đồ tiêu chuẩn.
Tác dụng phụ của điều trị hội chứng thận hư
Corticoid là thuốc rất hiệu quả trong hội chứng thận hư ở đa số trẻ. Tuy nhiên thuốc gây nhiều tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nếu điều trị không đúng cách. Sau đây là một vài tác dụng phụ thường gặp:
- Tăng cân, phù mặt: Corticoid làm tăng cảm giác thèm ăn, gây rối loạn phân bố mỡ, tăng giữ nước. Kết quả là trẻ bị tăng cân bất thường, mỡ tập trung ở thân người và mặt, làm nặng thêm tình trạng phù.
- Gây đau dạ dày: Thuốc làm mất yếu tố bảo vệ của dạ dày, làm acid dịch vị tấn công niêm mạc dạ dày gây viêm đau.
- Suy giảm miễn dịch: Trẻ dễ bị tấn công bởi các loại bệnh truyền nhiễm.
- Làm chậm lành vết thương.
- Đái tháo đường: Do thuốc gây rối loạn chuyển hóa đường.
- Suy thượng thận nếu dùng liều cao, lâu ngày sau đó dừng thuốc đột ngột.
- Gây tăng huyết áp.
- Gây rạn da, mọc lông nhiều trên mặt, mọc mụn trứng cá.
- Gây loãng xương, còi xương, trẻ trở thành thấp lùn sau này.
- Gây đục thủy tinh thể dẫn đến giảm thị lực thậm chí mù lòa.
- …
Có thể thấy tác dụng phụ của corticoid là rất nhiều và nghiêm trọng. Tuy nhiên nó thường chỉ xảy ra khi sử dụng thuốc không đúng cách như dùng liều quá cao, kéo dài, dừng thuốc đột ngột.
Do đó, bệnh nhân mắc phải hội chứng thận hư cần được chẩn đoán chính xác, điều trị hợp lý và theo dõi sát xao bởi cả nhân viên y tế và gia đình. Có như vậy, trẻ mới tránh được những tai biến của bệnh và của điều trị bệnh gây ra.
Tóm lại, điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em là vô cùng phức tạp. Việc sử dụng corticoid để điều trị mang lại kết quả cao ở đa số trường hợp. Tuy nhiên thuốc cũng gây nhiều tác dụng không mong muốn. Trẻ luôn cần sự phối hợp của cả gia đình và nhân viên y tế để phòng tránh các tác dụng này.