Bà bầu bị thận ứ nước là tình trạng không hiếm gặp lắm. Tuy nhiên, tình trạng này lại gây ra nhiều khó khăn cho các mẹ bầu trong quá trình mang thai. Thậm chí nếu điều trị không đúng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả cho cả mẹ và bé.
Bà bầu bị thận ứ nước có nguy hiểm không?
Thận ứ nước ở bà bầu là tình trạng người phụ nữ khi mang thai vì nguyên nhân nào đó mà nước tiểu không được đào thải ra ngoài ứ đọng lại trên đài bể thận. Các bệnh lý xảy ra ở phụ nữ mang thai đều có thể gây ra các hậu quả và biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
Thận ứ nước sẽ gây giãn đài bể thận, làm tổn thương cấu trúc bên trong, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra suy thận và những tổn thương không hồi phục được. Vậy nên bà bầu bị thận ứ nước sẽ rất nguy hiểm, cần phải phát hiện sớm, thận trọng khi điều trị để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Triệu chứng, nguyên nhân bà bầu bị thận ứ nước
Triệu chứng bị thận ứ nước khi mang thai
Các dấu hiệu nhận biết thận ứ nước khi mang bầu:
- Đau ngang thắt lưng hoặc 2 bên hông một cách bất thường
- Tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu có cảm giác không thông, tiểu ra máu, có trường hợp tiểu rất nhiều 3 – 4 lít/ngày
- Có thể sốt kèm theo đau tức bụng lan xuống bẹn
- Cảm giác buồn nôn và nôn
Nguyên nhân khiến cho bà bầu bị thận ứ nước
Các nguyên nhân tại đường tiết niệu
- Sỏi thận (là nguyên nhân hay gặp nhất)
- Chít hẹp đường niệu quản do bẩm sinh
- Hẹp niệu quản do viêm đường tiết niệu
- U niệu quản
- Rối loạn chức năng đóng mở của cổ bàng quang.
Các nguyên nhân bên ngoài
- Thai to chèn ép niệu quản khiến niệu quản bị hẹp
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư đại tràng
- Các khối u vùng chậu hông gây chèn ép niệu quản.
Phân độ thận ứ nước
Các mức độ ứ nước của thận được đánh giá phân loại dựa vào hình ảnh trên siêu âm. Có 3 mức độ thận ứ nước:
- Thận ứ nước độ 1: Tình trạng ứ nước ít, đài bể thận chưa giãn nhiều đường kính trước – sau <3cm
- Thận ứ nước độ 2: Ứ nước tại thận nhiều, các đài bể thận giãn nhiều, đường kính trước – sau >3cm
- Thận ứ nước độ 3: Ứ nước nặng, thận rất to, đài bể thận giãn thành một nang lớn.
Cách điều trị thận ứ nước khi mang thai
Nguyên tắc điều trị
Giải quyết nguyên nhân gây chèn ép niệu quản bằng điều trị nội khoa hay phẫu thuật.
Điều trị cụ thể theo từng nguyên nhân
- Thận ứ nước do hẹp niệu quản bẩm sinh được chỉ định phẫu thuật đặt stent niệu quản.
- Nguyên nhân do viêm nhiễm đường tiết niệu thì phải dùng kháng sinh. Lưu ý dùng thuốc kháng sinh phải theo chỉ định của bác sĩ chứ không tự mua thuốc uống ở nhà để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
- Thận ứ nước do sỏi thận gây tắc nghẽn niệu quản thì phải lấy được sỏi ra ngoài bằng phương pháp tán sỏi hay phẫu thuật lấy sỏi. Hiện nay tán sỏi được áp dụng rộng rãi vì nó ít xâm lấn và an toàn. Khi sỏi to quá mới phải mổ.
- Chỉ định phẫu thuật đối với u niệu quản gây hẹp niệu quản.
- Các loại u và ung thư vùng chậu hông thì tuỳ vào từng mức độ và giai đoạn thì bác sĩ sẽ có chỉ định mổ hay dùng hoá chất hoặc xạ trị.
Điều trị theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền thì thận ứ nước chưa được xếp vào chứng hậu nào nhưng theo các triệu chứng chúng ta có thể chia làm 3 thể là: Huyết ứ, thấp nhiệt và thận hư.
Thể huyết ứ
- Triệu chứng: Đau tức tại một điểm, lưỡi có điểm ứ huyết, tiểu khó
- Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông lâm lợi niệu
- Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang gia giảm
- Các vị thuốc: đương quy 12g, đào nhân 12g, ngưu tất 10g, Xuyên khung 12g, hồng hoa 8g, cát cánh 8g, xích thược 12g, chỉ xác 8g, hương phụ 10g, xa tiền tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể thấp nhiệt (viêm nhiễm đường tiết niệu)
- Triệu chứng: Tiểu buốt, tiểu rắt, sốt
- Pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp
- Bài thuốc: Tỳ giải phân thanh ẩm
- Các vị thuốc: Tỳ giải 12g, thạch xương bồ 10g, ô dược 12g, ích trí nhân 10g, hoàng bá 12g, xa tiền tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể thận hư
- Triệu chứng: Lưng gối đau âm ỉ, tiểu trong, tiểu đêm
- Pháp điều trị: Bổ thận thông lâm
- Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm
- Các vị thuốc: Thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 8g, phục linh 6g, đơn bì 8g, trạch tả 6g, kim tiền thảo 12g, xa tiền tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Các biện pháp phòng tránh và chế độ ăn thận ứ nước cho các mẹ bầu
Các biện pháp phòng tránh thận ứ nước cho mẹ bầu
- Uống nước đầy đủ
- Ăn không quá mặn
- Giữ vệ sinh vùng kín để tránh bị viêm nhiễm
- Dùng các thuốc bổ sung canxi phả theo chỉ định của bác sĩ.
Chế độ ăn của bà bầu bị thận ứ nước
Các đồ nên ăn
- Bổ sung chất xơ và các khoáng chất bằng cách ăn nhiều rau xanh
- Nên ăn hoa quả tươi để tăng cường vitamin cho cơ thể
- Bổ sung canxi với các thực phẩm như trứng, sữa, hải sản
- Thêm các gia vị như hành, tỏi, gừng vào các món ăn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Các đồ nên kiêng ăn
- Không ăn nhiều muối
- Hạn chế các hoa quả có nhiều vitamin C, Kali như chuối, chanh, cam, nhãn
- Hạn chế các loại thịt đỏ nhiều đạm, các loại thực phẩm nhiều purin
- Không uống rượu bia, không hút thuốc lá.
Bài viết này chúng tôi mang đến những kiến thức cơ bản về vấn đề bà bầu bị thận ứ nước. Hy vọng các bạn thông qua đó sẽ có những biện pháp phòng tránh và các phương pháp điều trị hợp lý. Hãy luôn là một mẹ bầu thông thái để bảo vệ sức khỏe cho cả bản thân và đứa con chưa chào đời của mình bạn nhé!