Hiện nay, tỷ lệ người mắc suy thận ngày càng tăng lên và nguyên nhân bị suy thận thì rất đa dạng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tổng hợp các nguyên nhân gây nên căn bệnh này và cách phát hiện khi thận bị tổn thương sớm nhất.
Nguyên nhân bị suy thận ở người bệnh?
Trong hầu hết các trường hợp, suy thận chủ yếu do các vấn đề sức khỏe khác gây tổn thương thận dần dần dẫn tới suy giảm chức năng. Suy thận bao gồm suy thận cấp tính và mạn tính. Dựa trên phân loại này mà người ta xác định các nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
Nguyên nhân bị suy thận cấp tính
Trường hợp suy thận cấp là do nhóm nguyên nhân trước thận gây nên, chiếm khoảng 60% các nguyên nhân gây tổn thương thận cấp tính, bao gồm:
- Do ngoại bào mất nước: Suy thận cấp thường gặp trong các trường hợp bị mất nước qua đường tiêu hóa như ỉa chảy, nôn mửa, lỗ dò hay một số ít bị mất nước qua da như mồ hôi, bỏng khiến thận bị mất chức năng đột ngột, dẫn đến suy thận cấp tính.
- Bị suy thận do mất nước qua thận: Đối với bệnh nhân mắc phải bệnh lý như đái tháo đường gây đa niệu thẩm thấu hay tắc nghẽn đường tiết niệu, trường hợp dùng thuốc lợi tiểu liều cao sẽ làm mất nước qua thân và gây nên tình trạng suy thận cấp. Ngoài ra, các bệnh suy thượng thận, viêm thận kẽ mạn tính cũng khiến cho bệnh nhân bị suy thận cấp tính.
- Do thể tích máu bị giảm: Thường gặp ở một số đối tượng mắc suy tim xung huyết, xơ gan hay hội chứng thận hư. Bệnh nhân bị hạ huyết áp trong trạng thái sốc do nhiễm trùng, xuất huyết, sốc phản vệ. Ngoài ra, một số bệnh nhân do sử dụng các thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, ức chế men chuyển, thuốc ức chế calcineurines, thuốc kháng viêm không chứa steroid dẫn tới suy thận cấp huyết động.
Suy thận cấp thực thể, chiếm khoảng 35 % do nhóm nguyên nhân tại thận bao gồm:
- Nguyên nhân bị suy thận cấp tính do viêm ống thận cấp (chiếm 80%): Trong số các vấn đề sức khỏe, đa số là do biến chứng của suy thận cấp chức năng tiến triển sang. Tại Việt Nam chủ yếu là do ngộ độc mật cá trắm, ngộ độc kim loại nặng như Pb, As, Hg. Một số trường hợp mắc là do truyền sai nhóm máu gây huyết tán trong lòng mạch, nhiễm độc nấm, độc quinine. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh như Amphotericine B, Aminosides, thuốc cản quang cũng có thể làm viêm ống thận cấp gây suy thận.
- Do cầu thận bị viêm cấp tính: Đa số gặp trong các trường hợp cầu thận bị viêm hoại tử, ban xuất huyết dạng thấp hay do viêm cầu thận tăng sinh của bệnh lupus. Ngoài ra, hội chứng Goodpasture cũng là một trong số những nguyên nhân gây nên tình trạng này.
- Bên cạnh đó, các nguyên nhân bị suy thận khác được biết đến là do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hay một số khác là do nhiễm độc thuốc qua cơ chế miễn dịch – dị ứng hoặc tăng bạch cầu ưa acid trong nước tiểu hay trong máu, tế bào gan bị hủy.
Khoảng 5% các nguyên nhân bị suy thận cấp tắc nghẽn do nhóm nguyên nhân sau:
- U xơ, u bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung
- Ung thư trực tràng
- Xơ cứng sau phúc mạc
- Sỏi niệu quản
- Đối tượng bị mắc bệnh lao dẫn đến làm teo hai bên niệu quản.
Nguyên nhân bị suy thận mạn tính là gì?
Hiện nay, ở các nước đang phát triển thì nhóm nguyên nhân chính gây suy thận mạn là do nhiễm trùng, tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài, sỏi thận tiết niệu. Các trường hợp nhiễm trùng thận tái phát, viêm bể thận,… cũng làm thận hư hại dẫn đến tổn thương mạn tính. Một số các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như hantavirus có thể tấn công gây suy thận.
Đối với các nước phát triển thì bệnh chuyển hóa như đái tháo đường (đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2), tăng huyết áp lâu dài không kiểm soát được,… lại là nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn tính. Đồng thời các bệnh mạch máu thận như xơ mạch thận lành tính hoặc ác tính, huyết khối vi mạch thận, tắc tĩnh mạch thận, viêm quanh động mạch dạng nút đều có thể tiến triển làm suy giảm chức năng thận.
Bên cạnh đó, các bệnh thận bẩm sinh như loạn sản thận, hội chứng Alport, thận đa nang (một rối loạn di truyền khiến nhiều u nang phát triển ở thận) cũng là một trong những nguyên nhân nổi tiếng gây tổn thương thận mạn tính. Đa số những người mắc bệnh thận đa nang có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
Ngoài ra, việc lạm dụng các loại thuốc như acetaminophen hay ibuprofen, các thuốc giảm đau kéo dài như phenylbutazone cũng là một trong những nguyên nhân gây độc cho thận, do tăng canxi huyết, tăng acid uric máu.
Các nguyên nhân khác được biết đến như viêm cầu thận, trào ngược tĩnh mạch chủ, tình trạng nước tiểu chảy ngược vào thận hay do mắc một loại bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như viêm thận lupus, ban xuất huyết dạng thấp.
Cách phát hiện sớm bệnh suy thận
Bệnh thận thường tiến triển lặng lẽ mà không có dấu hiệu cụ thể ở những giai đoạn đầu. Nó thường phá hủy hầu hết chức năng của thận trước khi gây nên bất kỳ triệu chứng nào. Chính vì vậy, để phát hiện bệnh sớm bạn không còn cách nào tốt hơn việc kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể chú ý và nhận ra bệnh suy thận sớm thông qua một số dấu hiệu như thường xuyên đi tiểu, có cảm giác hoa mắt chóng mặt, hay gặp tình trạng hụt hơi, khó thở, khi thở có mùi nước tiểu, có thể kèm theo cảm giác buồn nôn, đau lưng hoặc có dấu hiệu phù, khô da, ngứa, phát ban.
Bài viết trên đây là tổng hợp các nguyên nhân bị suy thận. Khi hiểu rõ về nguyên nhân bạn sẽ biết cách để phòng tránh và chữa trị bệnh một cách hiệu quả nhất. Hãy quan sát các dấu hiệu bất thường nhỏ nhất của sức khỏe để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị một cách kịp thời nhé.