Tình trạng viêm phế quản cấp ở trẻ em luôn khiến chúng ta lo lắng bởi không biết nó sẽ gây những ảnh hưởng gì tới sức khỏe, đồng thời phải xử lý như thế nào cho đúng. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm được các thông tin cơ bản cần thiết về căn bệnh này nhằm phòng tránh và điều trị kịp thời cho trẻ.
Nguyên nhân viêm phế quản cấp ở trẻ em
Theo các thống kê, bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ thường có nguy cơ xảy ra nhiều nhất với những bạn nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đây là tình trạng phần niêm mạc của phế quản xuất hiện nhiễm trùng hay sưng viêm.
Trẻ em dễ mắc viêm phế quản bao gồm nhiều lý do, trước hết là đường hô hấp của các bé vẫn còn ngắn và nhỏ, niêm mạc lại có quá nhiều mạch máu nên rất dễ phù nề, viêm nhiễm. Thứ hai, phần cơ lồng ngực của trẻ chưa được hoàn thiện, chính vì vậy khi bé ho thì khó có thể tống hết được các loại đờm nhớt ra ngoài.
Không ít các gia đình khi thấy trẻ bị mắc một số vấn đề liên quan tới mũi và họng thì lập tức nghĩ rằng đó chỉ là do cảm cúm thông thường. Nhưng thực tế, những vấn đề trên nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời sẽ biến chuyển thành viêm phế quản cấp.
Viêm phế quản cấp ở trẻ em có nguyên nhân chủ yếu do các loại virus (adenovirus, myxovirus, coronavirus…) hoặc vi khuẩn (haemophilus influenzae, chlamydia, mycoplasma…) gây nên.
Khi thời tiết thay đổi thất thường, môi trường ẩm ướt hoặc để trẻ tiếp xúc với những nơi đông đúc, có nhiều bụi bẩn ở tần suất cao sẽ khiến nguy cơ mắc viêm phế quản cấp tăng lên rất nhiều.
Cũng không loại trừ khả năng vì bố mẹ vô tình cho bé nằm điều hòa với nhiệt độ thấp, hoặc để bé tắm lâu với nước lạnh khiến bệnh lý này xảy ra.
Triệu chứng viêm phế quản cấp ở trẻ em
Khi bị viêm phế quản cấp có thể mỗi trẻ lại có những dấu hiệu không giống nhau, nhưng theo các chuyên gia thì thường sẽ xuất hiện những triệu chứng như: Sốt nhẹ, hắt xì liên tục, nước mũi chảy nhiều, đặc biệt trẻ sẽ thường xuyên ho khan kéo dài khiến cổ họng trở nên rát và đau.
Bên cạnh đó, bé cảm thấy bị khó thở hoặc thở tiếng khò khè do ứ đọng dịch nhầy. Người nhà cần thận trọng lưu ý khi thấy trẻ sơ sinh đột nhiên bỏ bú, quấy khóc nhiều, nôn trớ… bởi rất có thể bé đã mắc bệnh.
Nguy hiểm hơn, bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em ở mức độ nặng sẽ bị thở gấp, thở không đều, có thể sốt li bì lên tới 40 độ, cơ thể vốn đã có sức đề kháng yếu nay lại càng suy nhược trầm trọng.
Mắt bé trở nên lờ đờ, mũi chảy dịch màu xanh, có khạc đờm, da nhợt nhạt hẳn đi, không ăn uống được hoặc ăn vào lại nôn ra. Thực tế đã có một số trường hợp thậm chí còn lên cơn co giật sau đó nằm hôn mê.
Trẻ bị viêm phế quản cấp có nguy hiểm không?
Thông thường, nếu phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị hợp lý cho trẻ thì viêm phế quản cấp không phải là căn bệnh quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành một “mối đe dọa” lớn đối với trẻ nhỏ nếu không được xử lý nhanh chóng, gây ra những biến chứng vô cùng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Khi bé mắc bệnh mà không được điều trị dứt điểm thì nguy cơ chuyển biến sang viêm phế quản mãn tính sẽ rất cao, điều này khiến quá trình chữa trị trở nên khó khăn hơn nhiều.
Không chỉ vậy, sự phát triển ở trẻ cũng vì thế mà bị tác động xấu. Ngoài ra bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan với viêm phế quản cấp, bởi khi nó đã biến chứng thành viêm phổi thì đây được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong đối với trẻ nhỏ.
Chẩn đoán tình trạng bệnh
Ban đầu khi người nhà đưa trẻ tới bệnh viện khám, các bác sĩ sẽ hỏi một vài điều liên quan tới bệnh sử, sau đó sẽ thăm khám trực tiếp.
Trong trường hợp muốn chắc chắn hơn về lý do khiến trẻ mắc viêm phế quản cấp để có hướng điều trị phù hợp, hoặc bác sĩ đang phải xác nhận lại vấn đề nào đó thì có thể cần tới X-quang phổi, lấy máu xét nghiệm huyết đồ và huyết thanh, cấy đờm.
Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả
Lời khuyên đầu tiên cho các ông bố bà mẹ là hãy ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện khám khi thấy xuất hiện những triệu chứng đã được liệt kê bên trên. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và đưa ra những cách điều trị phù hợp nhất tùy theo tình trạng bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em.
Người nhà tuyệt đối không được cho trẻ uống thuốc bừa bãi để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra hãy lưu ý tới một vài điều sau:
- Luôn giữ ấm cho bé: Tránh việc bé bị nhiễm lạnh khiến bệnh trở nặng hơn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên cho trẻ mặc quá nhiều quần áo gây ra nóng bức, càng thêm khó thở.
- Chú ý tới mũi và họng của trẻ: Nếu thấy bị chảy nhiều nước mũi hãy thường xuyên lấy để trẻ thở dễ hơn. Đồng thời nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ.
- Cho bé uống đủ nước: Ngoài nước lọc ra có thể bổ sung thêm cho bé nước quả, canh súp nhằm làm tan bớt các dịch nhầy đặc để bé không còn khó thở, ho nhiều.
Qua bài viết trên đây, hy vọng mọi người đã nắm bắt được các thông tin cần thiết về viêm phế quản cấp ở trẻ em, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị. Cần lưu ý đưa trẻ đi khám ngay khi xuất hiện những dấu hiệu ban đầu để được chữa bệnh kịp thời, tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.