Suy thận mãn tính giai đoạn cuối là căn bệnh hiểm nghèo ngày càng phổ biến ở nước ta. Vậy rốt cuộc suy thận mãn tính giai đoạn cuối là bệnh gì, có triệu chứng gì, nguy hiểm ra sao, chữa trị như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay!
Suy thận mãn tính giai đoạn cuối là gì?
Để hiểu được khái niệm này, trước hết ta cần tìm hiểu về bệnh thận mạn và suy thận mạn.
Bệnh thận mạn (Chronic Kidney Disease – CKD)
Theo Hội thận học Hoa Kỳ, bệnh thận mạn được chẩn đoán khi thỏa mãn ít nhất một trong hai tiêu chuẩn sau:
- Tiêu chuẩn một: Có tổn thương về cấu trúc và chức năng thận kéo dài trên ba tháng. Tổn thương này được tìm thấy trên sinh thiết thận hoặc xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh.
- Tiêu chuẩn hai: Mức lọc cầu thận giảm nhỏ hơn 60ml/phút. Trên thực hành lâm sàng thì protein niệu kéo dài và liên tục là một dấu ấn thường gặp và quan trọng thường gặp nhất để xác định có tổn thương thận.
Những bệnh nhân sau ghép thận cũng được tính là mắc bệnh thận mạn tính.
Các định nghĩa trên rất có giá trị trong nghiên cứu khoa học xong trong thực tế lâm sàng có thể rất khác. Bác sĩ lâm sàng thường không đợi tới ba tháng để có đủ tiêu chuẩn thời gian mới chẩn đoán bệnh thận mạn, bỏ lỡ thời gian điều trị bệnh. Các tiêu chuẩn lâm sàng mới cho phép chẩn đoán sớm. Các biện pháp được dùng là chẩn đoán hình ảnh hiện đại, sinh thiết thận và sự giảm mức lọc cầu thận không hồi phục sau 48h.
Suy thận mạn
Bệnh thận mạn có 5 giai đoạn tương ứng với mức tổn thương nặng dần. Trong đó, bệnh thận mạn giai đoạn III (Mức lọc cầu thận <60 ml/phút) trở lên được coi là suy thận mạn.
Vậy thực chất suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính, không hồi phục, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.
Suy thận mãn tính giai đoạn cuối
Nói chính xác thì đây là bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối hay CKD giai đoạn cuối, tương ứng với bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (Mức lọc cầu thận <15ml/phút).
Suy thận mãn tính giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất của suy thận mạn. Tại đó, chức năng của thận đã suy giảm trầm trọng, không còn đảm bảo được mạng sống cho người bệnh. Do đó, người bệnh cần có những biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu chu kỳ, ghép thận…
Suy thận mạn tính giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?
Như đã nói ở trên, đây là giai đoạn bệnh mà thận không còn đảm bảo được chức năng sống còn của cơ thể. Hàng loạt chất độc, chất chuyển hóa không được lọc ra ngoài. Chúng sẽ phá vỡ cân bằng nội môi, tổn thương chức năng tất cả các cơ quan khác. Cuối cùng, cái chết là không thể tránh khỏi nếu không có các biện pháp thay thế thận suy.
Triệu chứng của suy thận mạn tính giai đoạn cuối
Các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và kéo dài, thường gặp là phù, vô niệu, thiếu máu, tăng huyết áp, hội chứng tăng ure huyết…
- Phù: Phù trắng, mềm, ấn lõm, to nhanh. Phù xuất hiện ở chi dưới, mặt, có khi toàn thân kèm theo tràn dịch các màng.
- Vô niệu: Do thận không còn tạo được nước tiểu hoặc chỉ được rất ít. Nước tiểu ít hơn 300ml một ngày được coi là vô niệu.
- Thiếu máu: Thận có vai trò quan trọng trong tổng hợp chất kích thích tạo máu tủy xương. Thận mất chứng năng kéo dài làm máu không được sinh đủ, hồng cầu có đời sống ngắn. Kết quả là cơ thể thiếu máu, biểu hiện da – niêm mạc nhợt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, mệt mỏi nhiều.
- Tăng huyết áp: Thận suy tăng tiết các chất gây co mạch làm tăng huyết áp. Cần chú ý tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ, tăng huyết áp ác tính rất có thể do bệnh thận mạn gây ra.
- Hội chứng ure huyết cao: Đây là tình trạng rất nặng. Tất cả các cơ quan đều bị tổn thương do tích tụ chất độc trong đó có ure huyết. Biểu hiện xuất huyết dưới da, hôn mê và tử vong nhanh.
- Các triệu chứng khác: Bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối còn gây vô số biểu hiện ở tất cả các cơ quan như cường cận giáp thứ phát, loãng xương, sạm da, suy sinh dục…
Bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối chữa trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối là thay thế thận suy. Hiện nay có ba hình thức chính là lọc thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận.
Lọc thận nhân tạo
Dùng máy thận nhân tạo đưa máu ra ngoài cơ thể, qua màng lọc nhân tạo để loại bỏ bớt nước và chất chuyển hóa sau đó trả lại cơ thể máu đã lọc. Lọc thận nhân tạo chu kỳ rất hiệu quả nhưng nhiều tai biến, người bệnh phải đến viện nhiều lần, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Lọc màng bụng
Đây là cách đưa dịch lọc vào ổ bụng, sử dụng màng bụng như một màng thẩm phân để lấy đi chất độc. Lọc màng bụng thích hợp cho người bệnh chống chỉ định với lọc thận nhân tạo. Lọc màng bụng chu kỳ về đêm có ưu điểm giúp người bệnh có khả năng trở về cuộc sống như người thường.
Ghép thận
Đây được coi là biện pháp tối ưu cho người suy thận giai đoạn cuối. Song việc tìm nguồn thận cho và chi phí cao còn gây nhiều khó khăn cho người bệnh.
Như vậy, suy thận mãn tính giai đoạn cuối là bệnh thận mạn rất nặng và nguy hiểm. Người bệnh cần được điều trị tích cực bằng các phương pháp thay thế thận suy. Hãy chú ý những dấu hiệu của bệnh để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.