Bé bị đầy bụng có nên uống sữa không là câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Trẻ em là lứa tuổi có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện vì thế thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu. Triệu chứng này gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của trẻ. Bài viết dưới đây giúp các bậc cha mẹ giải đáp được thắc mắc có hay không nên cho trẻ uống sữa khi con đầy bụng?
Nguyên nhân bé bị đầy bụng do uống sữa
Trẻ bị đầy bụng khi sử dụng sữa có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do cơ thể trẻ hoặc vấn đề nằm ở loại sữa mà con đang dùng. Vì vậy, cha mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân để phòng tránh cho trẻ.
Trong sữa có chứa nhiều đạm (protein) đã biến tính
Các thành phần của sữa ngoài vitamin, canxi, sắt…còn có 1 lượng không nhỏ protein hay còn gọi là đạm. Đạm là chất cần thiết cho cơ thể con người, tuy nhiên, đạm đã biến tính do nhiệt độ cao thường khiến bé bị đầy bụng. Nguyên do là đạm qua xử lý nhiệt độ cao thường vón cục, khó tiêu hóa, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này dẫn đến trẻ bị đầy chướng bụng, táo bón.
Đạm biến tính thường có trong một số loại sữa bột hoặc sữa tươi đóng hộp nhưng sử dụng sữa bột thay thế. Cha mẹ khi mua sữa cho con nên quan tâm thêm chỉ số đạm vì đây là một trong những chỉ số quan trọng ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ.
Trẻ không dung nạp Lactose
Lactose có hầu hết trong tất cả các loại sữa. Bình thường, lactose sẽ được enzyme lactase tiêu hóa. Lactase là enzyme được sản sinh ra tại ruột non giúp phân hóa lactose thành glucose và galactose để cơ thể dễ hấp thu. Tuy nhiên, ở một số trẻ bị thiếu lactase bẩm sinh hoặc thứ phát. Lactase không được sinh ra, lactose không được phân hóa để hấp thu mà được đưa trực tiếp xuống đại tràng. Tại đây, các vi khuẩn sẽ nhanh chóng lên men. Quá trình lên men tạo ra 1 lượng khí lớn khiến trẻ bị đầy hơi, chướng bụng, thậm chí đi ngoài.
Ngoài ra, còn do một vài nguyên nhân khác như mẹ thay đổi chế độ ăn cho bé đột ngột, từ sữa mẹ sang sữa công thức và từ sữa công thức sang ăn dặm. Sự thay đổi này khiến hệ tiêu hóa của trẻ chưa kịp thích nghi gây ra đầy chướng. Hoặc nguyên nhân do sữa bị hỏng hoặc pha không đúng cách cũng dễ khiến trẻ có những rối loạn tiêu hóa khác.
Xem thêm: 5 Triệu chứng trẻ bị rối loạn tiêu hóa cha mẹ cần chú ý
Bé bị đầy bụng có nên uống sữa không?
Đây là câu hỏi được rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Do lo lắng khi trẻ mắc đầy hơi chướng bụng, nhiều phụ huynh đã ngừng sữa hoàn toàn. Điều này là không cần thiết, vì sữa là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho bé. Điều quan trọng là phụ huynh cần khắc phục các nguyên nhân gây ra đầy hơi, chướng bụng khi bé uống sữa.
Đối với nguyên nhân sữa có đạm biến tính cao, cha mẹ nên chọn những loại sữa công thức uy tín, có đạm gần với tự nhiên. Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sỹ cũng như kinh nghiệm từ mọi người xung quanh để chọn lựa cho bé dòng sữa tốt và phù hợp nhất. Trong trường hợp bé bị đầy chướng bụng khi uống sữa, mẹ nên cân nhắc đổi sữa cho con hoặc giảm lượng sữa, chia nhỏ thành nhiều lần uống để tránh cung cấp lượng sữa lớn trong 1 lần, pha loãng sữa khi cho bé sử dụng.
Với những bé không dung nạp lactose, mẹ cần thay thế dần các sản phẩm sữa chứa nhiều lactose thành các loại sữa có hàm lượng lactose ít hoặc không có. Phụ huynh có thể cân nhắc những loại sữa ít lactose: sữa dê, sữa từ các loại hạt như hạt đậu nành, óc chó…
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần có chế độ ăn phù hợp cho trẻ, không thay đổi chế độ ăn đột ngột. Khi mua sữa, cần mua ở những địa điểm uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
Cách giảm đầy bụng cho bé
Cha mẹ có thể áp dụng những cách sau đây giúp trẻ giảm đầy bụng, chướng hơi
- Massage vùng bụng: Dùng tay xoa nhẹ nhàng vùng bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ. Mỗi ngày mẹ làm cho bé 1 lần, khoảng 15-20 phút/ lần. Việc massage vùng bụng giúp hệ tiêu hóa của con làm việc khỏe mạnh hơn, giảm lượng hơi trong dạ dày của con. Cha mẹ chú ý không làm ngay sau khi cho con ăn xong, dễ làm trẻ bị nôn trớ.
- Vỗ ợ hơi: Sau ăn 30 phút đến 1 giờ, mẹ cho bé ngồi hoặc bế bé thẳng lên rồi vỗ nhẹ vào lưng bé. Động tác này có thể đưa lượng hơi trong dạ dày bé ra ngoài bằng cách ợ hơi.
- Sử dụng lá tía tô: Lá tía tô có tính ấm, kích thích tiêu hóa. Dùng lá tía tô rửa sạch, nấu với chút nước, cho trẻ uống lúc ấm.
Tham khảo ý kiến bác sỹ về vấn đề sử dụng sản phẩm bổ sung enzyme lactase cho trẻ, giúp việc tiêu hóa lactose tốt hơn.
Trẻ em là lứa tuổi có hệ tiêu hóa nhạy cảm, thường bị chướng bụng, đầy hơi và các rối loạn tiêu hóa khác. Để phòng tránh những dấu hiệu này, các bậc cha mẹ cần có chế độ ăn hợp lý cho con cũng như sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo an toàn. Trong trường hợp trẻ bị đầy bụng khi uống sữa, cha mẹ không nhất thiết ngừng sữa hoàn toàn mà nên tham khảo ý kiến bác sỹ để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp hiệu quả.