Đậu phụ là thực phẩm cung cấp một lượng protein thực vật quan trọng trong chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên vì người bệnh gout phải rất cẩn trọng khi tiêu thụ chất đạm mỗi ngày nên thực phẩm này cũng khiến nhiều người tỏ ra lo ngại. Vậy bệnh gút có ăn đậu phụ không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời cho thắc mắc này, mời bạn đọc quan tâm theo dõi!
Đậu phụ là gì? Giá trị dinh dưỡng
Đậu phụ là một sản phẩm được chế biến từ hạt đậu nành, rất giàu dinh dưỡng. Trong mỗi 100gr đậu phụ có thể cung cấp cho cơ thể tới 73 calo. Trong đó, hàm lượng dinh dưỡng từ thực phẩm này cung cấp cho cơ thể là: 4,2g chất béo, 8,1g protein, 0,7g carbohydrate, 0,5g chất béo bão hòa, 1g chất xơ. Ngoài ra đậu phụ còn cung cấp các khoáng chất và vi khoáng thiết yếu cho cơ thể như canxi, sắt,đồng, kẽm, phốt pho, magiê, selenium…
Bệnh gút có được ăn đậu phụ không? Tại sao?
Gút là bệnh lý gây ra do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể khiến cho nồng độ acid uric trong máu tăng lên và tạo thành các tinh thể muối urat bám vào các khớp. Để kiểm soát các cơn gút cấp cực kỳ đau đớn khó chịu thì các bác sĩ đều khuyên người bệnh gút nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm có hàm lượng purin cao hoặc không ăn quá nhiều đạm trong cùng một lúc.
Đậu phụ được đánh giá là một trong những thực phẩm chứa lượng đạm từ thực vật cao. Điều này khiến nhiều người bệnh lo ngại và không ăn thực phẩm này. Tuy nhiên những nghiên cứu khoa học thực nghiệm mà điển hình là nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Quốc gia Singapore đã chỉ ra rằng protein trong đậu phụ không khiến cho nồng độ acid uric trong máu tăng nên người bệnh gút hoàn toàn có thể sử dụng được. Ngoài ra, nồng độ purin trong đậu phụ cũng chỉ ở mức trung bình nên vẫn nằm ở mức an toàn cho người bệnh gút.
Các lợi ích sức khỏe khác từ đậu phụ
Bản thân đậu phụ không chỉ lành tính mà nó còn có nhiều giá trị đối với sức khỏe như:
1. Tốt cho tim mạch
Chất Isoflavone trong đậu phụ có công dụng cải thiện lưu lượng máu tốt hơn, phòng ngừa tình trạng viêm mạch máu và giảm tới 10% nguy cơ mắc bệnh tim nếu được tiêu thụ 80mg chất này mỗi ngày và liên tục trong 12 tuần.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Lượng isoflavone có trong đậu phụ còn giúp kiểm soát đường huyết cực kỳ tốt. Nghiên cứu cho thấy nếu mỗi ngày một người trưởng thành tiêu thụ khoảng 100mg isoflavone thì sẽ giúp giảm 15% lượng đường trong máu và giảm tới 23% lượng insulin.
3. Ngăn ngừa ung thư
Chất genistein và lượng isoflavone trong đậu phụ là hai chất có công dụng chống oxy hóa cực kỳ tốt, giúp ức chế sự hình thành của tế bào ung thư như: Ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường tiêu hóa…
4. Các lợi ích tiềm năng khác
Một số lợi ích khác cho sức khỏe mà đậu phụ mang lại đó là:
- Cải thiện hoạt động của thận: Với hàm lượng protein cao, khi ăn đậu phụ có thể giúp kiểm soát tốt lượng mỡ hấp thụ vào máu và lợi ích này đặc biệt tốt cho người bị bệnh thận mãn tính.
- Tốt cho xương khớp: Trung bình nếu một người trưởng thành cung cấp 80mg isoflavone trong một ngày thì có thể giảm nguy cơ loãng xương, giúp xương thêm chắc khỏe, đặc biệt với phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh.
- Làm đẹp da: Nếu được bổ sung 40mg isoflavone qua đậu phụ hàng ngày thì sẽ giúp da giảm nếp nhăn đáng kể.
- Cải thiện trí nhớ, đặc biệt với phụ nữ từ 65 tuổi trở lên.
Bị gút nên ăn bao nhiêu đậu phụ mỗi ngày?
Theo khuyến cáo, mặc dù đậu phụ có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không nên vì thế mà ăn quá nhiều. Nhất là với người bị bệnh gút thì chỉ nên dùng tối đa 200gr đậu phụ trong một ngày và không ăn quá 3 bữa trong tuần. Ngoài đậu phụ thì người bệnh nên bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng từ rau xanh, trái cây tươi, thịt cá… để cân bằng dinh dưỡng.
Cách chế biến đậu phụ cho người bị gút
Cách chế biến đậu phụ cho người bị gút cần tránh nấu nướng với quá nhiều dầu mỡ và gia vị cay nóng. Điều này vừa giúp giữ nguyên hương vị của đậu phụ mà còn tốt cho việc cải thiện bệnh. Một số cách chế biến mà bạn có thể tham khảo là:
1. Đậu phụ hấp gừng
Nguyên liệu:
- Đậu phụ non 150g, gừng 50g, nước tương 2-3 thìa, rau thơm.
Thực hiện:
- Đậu phụ thái miếng, gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi.
- Cho đậu phụ vào nồi hấp rồi rưới thêm nước tương lên trên, rắc gừng thái sợi lên đậu và hấp trong 10 phút. Thêm rau thơm thái nhỏ, ăn khi còn nóng.
2. Canh đậu phụ rau củ
Nguyên liệu:
- Đậu phụ 100g, ngô ngọt, cà rốt, su su (mỗi loại 1 quả/củ), hành, rau thơm, gia vị.
Thực hiện:
- Đậu phụ cắt miếng vừa ăn, các loại củ quả gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
- Cho 1,5 lít nước vào cùng ngô đã thái miếng, nấu cho chín thì cho thêm cà rốt và su su vào đun thêm 5 phút thì bỏ đậu phụ vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, đun thêm 3 phút nữa là được.
- Thêm hành, rau thơm thái nhỏ, ăn khi còn ấm nóng.
3. Canh đậu phụ lá hẹ
Nguyên liệu:
- Đậu phụ non 100g, rau hẹ 1 bó, gia vị các loại.
Thực hiện:
- Rau hẹ nhặt rửa sạch, cắt khúc. Đậu phụ cắt miếng vừa ăn.
- Cho một chút dầu ăn đun nóng rồi phi thơm 1 củ hành khô. Cho tiếp nước vào đun sôi thì thả đậu phụ vào, nêm nếm vừa ăn rồi đun cho canh sôi thì thêm lá hẹ vào.
- Múc canh ra tô, rắc thêm rau thơm thái nhỏ và ăn nóng.
4. Đậu phụ cuốn lá lốt
Nguyên liệu:
- Đậu phụ 150g, lá lốt, nấm hương, mộc nhĩ, gia vị các loại.
Thực hiện:
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nước cho nở ra, rửa sạch rồi thái sợi. Đậu phụ nghiền nhuyễn rồi trộn cùng nấm hương, mộc nhĩ cho thêm gia vị trộn đều. Lá lốt rửa sạch, để ráo nước.
- Cuộn lá lốt với nhân đậu phụ rồi đem chiên vàng. Ăn cùng nước mắm chua ngọt và cơm nóng rất ngon.
Người bị gút cần lưu ý gì khi bổ sung đậu phụ?
Một số lưu ý khi ăn đậu phụ để vừa tận dụng được lợi ích của thực phẩm, vừa phòng tránh các nguy cơ không mong muốn:
- Không ăn quá 200gr đậu phụ/ngày
- Nếu bữa ăn có đậu phụ thì không ăn thêm thịt giàu đạm như hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật
- Ưu tiên chế biến đậu phụ theo cách hấp, luộc, nấu canh, tránh món chiên, xào, rán…
Trên đây là những thông tin trả lời cho thắc mắc “bệnh gút có ăn đậu phụ không?”. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!