Người bệnh gout phần nhiều xuất phát từ nguyên nhân đã tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purin trong thời gian dài. Điển hình trong đó là các món ăn từ thịt giàu dinh dưỡng. Vậy nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của chất đạm trong cung cấp năng lượng của mọi hoạt động sống. Vì lẽ đó mà người bệnh gút cũng cần phải được bổ sung lượng đạm thịt cần thiết mỗi ngày. Vậy người bệnh gout ăn được thịt gì? cần lưu ý gì khi ăn thịt hay không? Tất cả những nội dung này sẽ được đề cập chi tiết trong nội dung sau!
Bệnh gout ăn được thịt gì?
Gout là một dạng viêm khớp khá phổ biến. Nó đặc trưng bởi triệu chứng đau đớn cực kỳ khó chịu trong những cơn gút cấp tính diễn ra. Tình trạng này là do cơ thể bị tích tụ quá nhiều acid uric và kết tinh thành các tinh thể muối urat bám vào xung quanh bề mặt khớp.
Acid uric là một sản phẩm phụ mà cơ thể sinh ra sau quá trình phân hủy purin có trong thực phẩm. Trong đó, thịt đỏ, nội tạng, hải sản… là những thực phẩm chứa hàm lượng purin cao điển hình.
Vậy người bệnh gút thì được ăn thịt gì?
Mặc dù hầu hết các loại thịt đều chứa purin và có thể khiến acid uric trong máu người bệnh gút tăng lên, nhưng tiêu thụ thịt với lượng cho phép và dùng loại thịt chứa ít purin thì vẫn hoàn toàn được. Người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Thịt trắng: Các loại thịt trắng như ức gà, thịt thăn lợn… thường chứa lượng purin thấp và nếu sử dụng với lượng vừa phải thì vừa cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể mà cũng không gây hại cho người bệnh gút.
- Thịt gia cầm: Thịt gia cầm như vịt, ngan, ngỗng, gà… nhìn chung đều có lượng purin thấp hơn so với thịt lợn nói chung, do đó người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng loại thịt này trong thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên người bệnh lưu ý loại bỏ phần da vì chúng chứa nhiều purin và chất béo không phù hợp với người bệnh gút.
- Thịt cá nước ngọt: Các loại cá nước ngọt, cá sông thường có lượng purin thấp, thịt trắng chắc nịch, giàu đạm nhưng hoàn toàn phù hợp với người mắc bệnh gút. Do đó, người bệnh gút có thể lựa chọn các loại cá nước ngọt phổ biến như cá trắm, cá chép, cá trôi, cá quả…
Người bệnh gout nên kiêng thịt gì?
Rất nhiều loại thịt có thể làm tăng các triệu chứng hoặc khiến các cơn gút cấp tính nhanh tái phát hơn, điển hình như:
- Thịt dê: Thịt dê là một trong số những loại thịt động vật giàu đạm và có chứa lượng purin rất cao. Vốn được xếp vào nhóm thịt đỏ nên loại thịt này có giá trị dinh dưỡng rất cao. Nếu tiêu thụ quá nhiều thịt dê thì cơ thể sẽ hấp thụ lượng purin lớn và khiến cơn gút cấp nghiêm trọng hơn.
- Thịt bò: Tương tự như thịt dê, thịt bò cũng rất giàu dinh dưỡng, cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất tốt và nguồn năng lượng thiết yếu cho các hoạt động trong ngày. Tuy nhiên, thịt bò cũng là một loại thịt đỏ có lượng purin cao nên nếu ăn quá nhiều thì có thể khiến cơn đau gút nhức nhối, khó chịu hơn.
- Thịt mèo, thịt chó: Là những loại thịt cực kỳ giàu đạm, chứa lượng purin cao hơn rất nhiều so với thịt bò hay thịt lợn. Do đó, nếu đã mắc gút thì người bệnh càng không nên tiêu thụ hai loại thịt này.
- Thịt cá biển: Thịt của các loại cá biển như cá cơm, cá hồi, cá ngừ, cá trích chứa hàm lượng purin cao và không tốt cho sức khỏe của người bệnh gút.
- Hải sản: Điển hình như tôm, cua hay các loại động vật có vỏ thường có hàm lượng purin ca. Do đó nếu không mắc bệnh gút thì cũng chỉ nên tiêu thụ với lượng ít phải kiểm soát còn nếu đã có bệnh gút thì nên kiêng ăn.
- Nội tạng động vật: Thịt nội tạng như tim, phổi, gan… có chứa lượng purin cực kỳ cao. Ngoài ra chúng cũng chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe tim mạch. Do đó, người bệnh không nên sử dụng thịt nội tạng trong thực đơn hàng ngày.
Lưu ý khi sử dụng thịt cho người bệnh gout
Lượng ăn và loại thịt sử dụng sẽ quyết định tới việc tiêu thụ thịt có ảnh hưởng tới bệnh lý của người bệnh gút hay không. Do đó, người bệnh hãy lưu ý một số vấn đề sau để tránh các cơn gút bùng phát:
1. Người bệnh gout nên tiêu thụ bao nhiêu thịt?
Theo khuyến cáo an toàn, người mắc bệnh gout không nên tiêu thụ quá 150gr thịt mỗi ngày và không nên ăn tập trung thịt vào một bữa ăn duy nhất mà nên chia ra thành nhiều bữa nhỏ để tránh làm lượng acid uric trong máu tăng cao quá mức, kích thích cơn gút cấp.
Ngoài ra, với những loại thịt cá biển, hải sản thì lượng tiêu thụ không nên quá 100gr một ngày và cũng không ăn quá 3 lần trong một tuần.
2. Cách chế biến thịt cho người bệnh gout
Cách chế biến có thể làm tăng hoặc hạn chế lượng purin trong thực phẩm. Do đó, nếu ăn thịt thì người bệnh gút nên nấu chín, nấu kỹ là tốt nhất. Phương pháp luộc, hấp, nấu canh cũng nên được ưu tiên vì không làm cho thực phẩm tăng lượng purin và giữ được các chất dinh dưỡng.
Để cân bằng dinh dưỡng thì người bệnh gút nên ăn thịt với các loại rau củ quả. Một số loại rau có thể chứa lượng purin cao nhưng không gây hại tới cơ thể và không khiến cơn gút cấp khó chịu hơn nên người bệnh yên tâm sử dụng.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gout
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gút ngoài tránh các loại thực phẩm giàu purin kể trên thì cần lưu ý một số vấn đề như:
- Lên thực đơn kỹ với các loại thực phẩm chứa ít purin, cân bằng dinh dưỡng giữa các nhóm thực phẩm để lên được thực đơn có đủ thịt, rau quả, ngũ cốc, trái cây, sữa…
- Kiêng hoặc hạn chế đưa vào thực đơn những loại thực phẩm giàu purin như cá biển, thịt đỏ, thịt nội tạng, hải sản…
- Người bệnh gút không nên dùng các loại nước hầm xương, nước luộc thịt nội tạng.
- Giới hạn lượng đạm tiêu thụ trong khẩu phần ăn không quá 150gr/ngày. Nếu đã ăn đạm từ thịt thì không nên dùng thêm cá.
- Kiêng bia rượu, các loại nước ngọt, soda hoặc nước trái cây có đường.
Trên đây là những thông tin hữu ích cho chủ đề “bệnh gout ăn được thịt gì?”. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!