Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi những triệu chứng của bệnh gout nhanh chóng. Vậy bệnh gout nên ăn gì, kiêng gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết sau đây.
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout là một dạng bệnh viêm khớp có thể dẫn đến các cơn đau đớn đột ngột, sưng và viêm các khớp. Có đến một nửa trường hợp gout gây ảnh hưởng đến ngón chân cái, ngoài ra chúng còn tác động đến ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh gout là do sự tích tụ axit uric trong máu, dẫn đến sưng, viêm và đau đớn dữ dội. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và yếu tố di truyền cũng là một trong những tác nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Các cơn đau do bệnh gout thường xuất hiện đột ngột và kéo dài trong 3 – 10 ngày với những cơn đau đớn, khó chịu. Điều này cho phép axit tích tụ, kết tinh, lắng đọng ở các khớp.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến bệnh gout như thế nào?
Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến gout là do chế độ ăn uống, do đó, việc thực hiện một thực đơn dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp các triệu chứng của bệnh được cải thiện rõ rệt.
Một số loại thực phẩm nhất định, đặc biệt là chất purin có thể kích hoạt các cơn gout cấp bằng cách tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Khi tiêu hóa purin, cơ thể sẽ tạo ra axit uric như một chất thải.
Ngoài ra, các loại thực phẩm chứa nhiều đường fructose và đồ uống nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Mặc dù không có hàm lượng Purin nhưng các loại thực phẩm này làm tăng nồng độ axit uric bằng cách thúc đẩy một số quá trình tế bào.
Thay vào đó, người bệnh gout nên sử dụng các sản phẩm sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành và bổ sung vitamin C phù hợp có thể giảm lượng axit uric trong máu và phòng ngừa các cơn đau do gout gây ra.
Có thể thấy, chế độ ăn uống tác động khá nhiều tới việc gia tăng hoặc giảm các triệu chứng của bệnh gout. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế và chuyên gia dinh dưỡng để có được một thực đơn hoàn hảo.
Bệnh gout nên ăn gì? Các thực phẩm tốt nhất
Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người bệnh gout nên dùng:
- Trái cây
Các loại trái cây rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người bị bệnh gout. Những loại trái cây phù hợp cho bệnh gout phải kể đến: quả anh đào, quả việt quất, táo, dâu tây, chanh,…
- Thực phẩm giàu vitamin C
Theo các nghiên cứu, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh. Bên cạnh đó, chúng còn có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu và giảm nguy cơ bùng phát cơn đau gout đến 45%.
Một số loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt, ổi, nho đen, ớt chuông, cải bó xôi, cải xoăn, kiwi, bông cải xanh,…
Đối với những người bị sỏi thận hoặc một số bệnh lý mãn tính khác khi muốn bổ sung hàm lượng vitamin C lớn vào cơ thể nên có sự tham vấn của bác sĩ.
- Các loại đỗ
Hàm lượng chất xơ và protein được tìm thấy khá nhiều trong các loại đỗ: đỗ lăng, đỗ đen, đỗ xanh,… Loại thực phẩm này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu và tăng vi khuẩn khỏe mạnh ở đường ruột.
- Rau xanh
Rau xanh có hàm lượng Purin cao nhưng không làm tăng nồng độ axit uric trong máu, do đó được đánh giá khá an toàn với những người bị bệnh gout.
Để cải thiện những triệu chứng của bệnh, bạn có thể sử dụng một số loại rau sau: cải bó xôi, cà rốt, bông cải xanh, cải xoăn, măng tây,…
- Sữa ít béo
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sữa ít béo hoặc không béo có thể bảo vệ cơ thể chống lại các đợt bùng phát của bệnh gout. Bởi các loại sữa này có khả năng làm giảm nồng độ axit uric, cũng như có chứa một số đặc tính chống viêm nhất định.
Một số loại sữa phù hợp với người bệnh gout đó là sữa tách béo, sữa chua, phô mai.
- Cà phê
Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy việc uống 4 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu và phòng ngừa các cơn đau gout.
Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều cà phê cũng gây ra một số tác động không tốt tới sức khỏe. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng loại đồ uống này.
Bệnh gout nên kiêng gì để hỗ trợ điều trị bệnh
Ngoài những thực phẩm cần được bổ sung vào cơ thể, người bệnh gout cũng cần loại bỏ một số đồ ăn sau đây để tránh sự tiến triển nghiêm trọng hơn của bệnh:
- Đường
Đường là thực phẩm yêu thích của nhiều người, tuy nhiên chúng không thân thiện cho bệnh nhân bị gout. Các loại đường có nguồn gốc tự nhiên như fructose, siro ngô cũng có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, đẩy cao nguy cơ mắc bệnh gout. Bởi vậy, người bệnh cần tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng bệnh gout, kể cả các loại nước ngọt.
- Thực phẩm chế biến sẵn
Không chỉ ảnh hưởng đến tim mạch, một số loại thực phẩm chế biến sẵn và carbohydrate tinh chế có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Do đó, để ngăn ngừa các triệu chứng bệnh gout, người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến như bánh ngọt, bánh quy, khoai tây chiên,…
- Thịt đỏ và thịt nội tạng
Loại thực phẩm gây hại cho những người bệnh gout không thể không nhắc đến thịt đỏ và thịt nội tạng. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ (bao gồm thịt bò, thịt nai, thịt cừu) và các loại thịt nội tạng (chẳng hạn như gan, tim, thận, lưỡi) sẽ giúp trợ phòng ngừa bệnh gout hiệu quả.
- Một số loại cá và hải sản
Mặc dù tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều loại cá có hàm lượng purin khá cao: cá mòi, cá cơm, cá thu, cá trích,… được khuyến cáo không nên sử dụng cho người bị bệnh gout. Bên cạnh đó, nếu bị gout bạn cũng cần hạn chế các loại hải sản như: tôm, cua, ghẹ,…
- Bia và rượu
Rượu và đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ bệnh gout. Tuy nhiên, rượu vang được cho là tốt cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến bệnh nhân gout. Do đó, bạn có thể sử dụng với hàm lượng vừa phải.
Như vậy, một chế độ ăn uống hợp lý sẽ góp phần quan trọng vào quá trình đẩy lùi những triệu chứng của bệnh gout. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia để có một thực đơn hoàn hảo cho tình trạng bệnh cụ thể của bạn.