Bệnh gout có tiến triển chậm với những những cơn đau bất thường ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người bệnh. Do đó, việc nắm bắt được các giai đoạn của bệnh gout sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc ứng phó với các triệu chứng và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Thông tin cần biết về các giai đoạn của bệnh gout
Bệnh gout là một loại viêm khớp nguy hiểm, xảy ra do lượng axit uric dư thừa trong máu tăng cao, không thể đào thải ra ngoài, dẫn đến tích tụ bên trong các khớp.
Dựa trên những triệu chứng cơ bản, bệnh gout được chia thành 4 giai đoạn chính sau đây:
Giai đoạn không triệu chứng
Nguyên nhân chính gây ra bệnh gout là sự dư thừa axit uric trong máu. Thông thường, axit uric sẽ được đào thải thông qua nước tiểu (70%) và phân (30%). Tuy nhiên khi nồng độ acid uric quá cao khiến cho thận không thể đáp ứng nhu cầu đào thải, lâu dần tích tụ và dẫn đến gout.
Có thể thấy tăng axit uric là giai đoạn đầu của bệnh gout. Lúc này, người bệnh khó mà cảm nhận được các triệu chứng của bệnh. Nhưng hàm lượng axit uric dư thừa vẫn tác động tới cơ thể theo nhiều hình thức khác nhau.
Bệnh gout cấp tính
Axit uric dư thừa không được đào thải kịp thời có thể dẫn đến những cơn đau dữ dội ở các khớp, đặc biệt là ngón chân cái. Một số khớp nhỏ, có tính chất đối xứng như khớp ngón tay, bàn tay, đầu gối, khuỷu tay cũng rất dễ mắc bệnh.
Giai đoạn cấp tính, các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, nhất là vào ban đêm và thường kéo dài đến sáng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Ngoài các cơn đau, người bệnh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng như sưng đỏ, nóng khớp, hạn chế khả năng di chuyển và vận động thông thường.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra các cơn gout cấp có xu hướng gia tăng khi người bệnh sử dụng rượu, bia, chất kích thích, hay thói quen ăn thịt, hải sản quá nhiều. Bởi vậy, để giảm trừ triệu chứng của bệnh, bạn cần hạn chế các thực phẩm nêu trên và tham khảo ý kiến của chuyên gia về chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.
Bệnh gout liên tục
Nhiều trường hợp người bệnh gout sau cơn gout cấp đầu tiên thường xuất hiện thêm 1 – 2 cơn gout khác trong 1 năm. Trong khi đó 1 số người sau 1 vài năm mới nhận thấy các cơn gout cấp tiếp theo.
Trong thời gian này, các triệu chứng của bệnh gout có thể không rõ ràng, nhưng axit uric vẫn đang tích tụ trong các khớp và có thể dẫn đến các cơn gout cấp tiếp theo. Do đó, nếu được chẩn đoán bệnh gout, người bệnh cần tái khám thường xuyên và thay đổi chế độ ăn uống cũng như luyện tập để hạn chế những triệu chứng của bệnh.
Bệnh gout mãn tính
Đây là giai đoạn bệnh khá nguy hiểm, phổ biến ở những người không có biện pháp điều trị triệt để khi bắt đầu xuất hiện những cơn gout cấp.
Đối với những người bị bệnh gout mãn tính, ngoài những cơn đau, sưng, đỏ khớp thông thường còn hình thành các hạt tophi với kích thước khác nhau. Các hạt này có tính chất cứng hoặc mềm, ấn vào khiến người bệnh vô cùng đau đớn.
Bệnh gout mãn tính nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, thậm chí là tàn tật vĩnh viễn.
Bởi sự tiến triển của bệnh gout thường kéo dài và khá phức tạp, do đó, ngay khi có những triệu chứng ban đầu, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị triệt để.
Dấu hiệu nhận biết bệnh gout đang tiến triển
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh gout đang tiến triển:
- Các cơn đau có tần suất dày hơn và mức độ nghiêm trọng hơn
- Tình trạng sưng, đỏ khớp kéo dài
- Các cơn đau ảnh hưởng đến các khớp cùng một lúc
Nhìn chung các dấu hiệu này cũng khá mờ nhạt, do vậy, người bệnh cần tái khám mỗi năm để biết chính xác hơn về tiến triển của bệnh.
Điều gì khiến bệnh gout trở nên nghiêm trọng hơn?
Một số yếu tố khiến cho bệnh gout trở nên nghiêm trọng hơn mà người bệnh cần lưu ý bao gồm:
Chế độ ăn uống
Người bệnh gout cần tránh xa các nhóm thực phẩm có chứa nhiều nhân purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản,…hay các loại thực phẩm giàu fructose cũng có thể kích thích cơ thể sản xuất các tinh thể urat và gây ra bệnh gout. Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu và bia thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng đến những người bị bệnh gout.
Béo phì
Những người có cân nặng quá khổ thường có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn người bình thường. Người bệnh cần lên kế hoạch giảm cân với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và chế độ luyện tập hợp lý.
Chấn thương
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gout và khiến triệu chứng của bệnh thêm nghiêm trọng. Chấn thương thể chất ở khớp cũng có thể giải phòng một số tinh thể acid và dẫn đến phản ứng viêm.
Cách điều trị bệnh gout để ngăn ngừa tiến triển
Hiện nay chưa có phương pháp nào chữa bệnh gout triệt để, nhìn chung chúng chỉ có tác dụng giảm trừ triệu chứng và ngăn chặn sự tiến triển xấu hơn của bệnh. Tùy vào tình trạng cụ thể ở mỗi người mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp nhất.
Thông thường, các loại thuốc thường xuất hiện trong đơn kê của bác sĩ bao gồm: NSAID hoặc corticosteroid hoặc tiêm steroid tại chỗ để điều trị bệnh gout.
Mặc dù hỗ trợ cải thiện những cơn đau cấp, nhưng việc sử dụng dụng các loại thuốc trên trong thời gian dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ cho cơ thể như đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày,…
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học bằng việc tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi, giảm hàm lượng thịt đỏ, hải sản,… trong bữa ăn hàng ngày. Kết hợp với việc luyện tập hợp lý cũng sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh gout.
Bệnh gout là một bệnh mãn tính với những giai đoạn tiến triển không có triệu chứng rõ rệt, điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị. Do đó, ngay khi được chẩn đoán bị gout, bạn cần thường xuyên tái khám và tuân thủ những chỉ định của chuyên gia.