Thuốc Succralfate hiện được coi là một giải pháp hiệu quả trong việc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và được rất nhiều người tin dùng. Những thông tin cụ thể về thuốc sẽ được chúng tôi cung cấp trong bài viết dưới đây.
Thuốc Sucralfate là gì?
Sucralfate là một thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có chứa nhôm. Cơ chế của thuốc là tạo phức với các chất như albumin hoặc fibrinogen có trong dịch rỉ viêm, kết dính với ổ loét tạo ra lớp màng bảo vệ trên khu vực viêm hoặc loét của dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại tác động của acid dịch vị, pepsin và các acid mật.
Thuốc Sucralfate được bào chế dưới dạng viên nén. Một hộp gồm 2 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.
Thành phần có trong một viên thuốc Sucralfate
Trong mỗi viên nén Sucralfate có chứa
- Hoạt chất: Sucralfate 1.00g
- Tá dược: vừa đủ 1 viên
Tác dụng của thuốc Sucralfate
Với cơ chế bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách tạo ra hàng rào bao phủ vết loét, thuốc Sucralfate có tác dụng làm lành các vết trợt, loét trên bề mặt niêm mạc, đồng thời giúp tăng bài tiết dịch nhầy, bảo vệ dạ dày tránh khỏi tác động của các yếu tố tấn công gây loét.
Với những công dụng đã được kiểm chứng, thuốc được chỉ định trong các trường hợp:
- Viêm loét dạ dày – tá tràng, loét dạ dày lành tính
- Hỗ trợ điều trị chứng trào ngược dạ dày – thực quản
- Phòng ngừa loét dạ dày – tá tràng tái phát.
Cách sử dụng thuốc Sucralfate
Liều lượng sử dụng thuốc Sucralfate
Phân theo từng chỉ định của thuốc
- Liều dùng để điều trị loét dạ dày – tá tràng: uống 1 viên/lần, 4 lần/ngày hoặc 2 viên/lần, 2 lần/ngày. Thời gian điều trị kéo dài 4 tuần với vết loét nhỏ, 8 tuần trong trường hợp vết loét lớn.
- Loét dạ dày lành tính: 1 viên/lần, 4 lần/ngày. Thời gian điều trị kéo dài từ 6 – 8 tuần cho đến khi vết loét lành hẳn.
- Dự phòng tái phát: Liều duy trì 1 viên/lần, ngày uống 2 lần để ngăn chặn tái phát. Điều trị không quá 6 tháng.
- Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản: 1 viên/lần, 4 lần/ngày.
Hiện chưa có nghiên cứu rõ ràng về liều được sử dụng cho trẻ em, do đó cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi sử dụng. Liều dùng của thuốc có thể thay đổi tùy theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cách dùng thuốc Sucralfate
Do tác dụng của thuốc là bao vết loét nên cần uống thuốc khi dạ dày rỗng (tức uống thuốc khi đói) để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Với chế độ uống 4 lần một ngày, nên uống thuốc trước các bữa ăn khoảng 1 giờ và vào buổi tối trước khi đi ngủ. Còn đối với liều 2 lần/ngày, uống thuốc vào buổi sáng trước ăn và trước khi đi ngủ.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Sucralfate
- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho các đối tượng suy thận hoặc có nguy cơ suy thận do thuốc sẽ làm tăng nồng độ nhôm trong huyết tương, đặc biệt là khi sử dụng dài ngày.
- Chưa có nghiên cứu thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, tốt nhất chỉ nên sử dụng thuốc khi thật cần thiết.
- Thuốc Sucralfate được khuyến cáo bảo quản trong bao bì nguyên vẹn, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C và xa tầm tay trẻ em.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Sucrafate
- Không sử dụng Sucralfate cho người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc
- Các trường hợp suy thận cấp độ nặng.
Thuốc Sucralfate có tác dụng phụ hay không?
Do thuốc có tác dụng trên niêm mạc nên lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể không đáng kể vì vậy hiếm khi có phản ứng phụ xảy ra. Tuy nhiên khi uống thuốc, người bệnh vẫn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như:
- Táo bón
- Buồn nôn và nôn
- Đầy bụng
- Khó tiêu
- Đau đầu
- Hoa mắt, chóng mặt,…
Tương tác của thuốc Sucralfate với các loại thuốc khác
Trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng, thường phải kết hợp nhiều thuốc để tăng hiệu quả điều trị. Do đó, nhà sản xuất đã đưa ra khuyến cáo để việc sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao nhất:
- Nên sử dụng antacid trước hoặc sau Sucralfate 30 phút.
- Một số thuốc khi uống cùng Sucralfate sẽ bị giảm hấp thu (kháng sinh nhóm Quinolon, thuốc chống đông Wafarin, hoặc các thuốc kháng H2 như Cimetidin, Ranitidin,…), vì vậy cần phải uống các thuốc này 2 giờ trước hoặc sau khi uống Sucralfate.
- Cần lưu ý khi khi kết hợp Sucralfate và các Antacid (có tác dụng trung hòa acid dịch vị) do antacid sẽ gây ảnh hưởng tới việc gắn Sucralfate lên niêm mạc dạ dày dẫn đến làm giảm hiệu quả của thuốc.
Giá bán của thuốc Sucralfate là bao nhiêu?
Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm có hoạt chất Sucralfate với tên biệt dược và dạng bào chế khác nhau (hỗn dịch uống, bột pha hỗn dịch,…). Do đó, giá thành sản phẩm cũng vô cùng đa dạng.
Với viên nén Sucralfate được sản xuất bởi công ty cổ phần Dược phẩm trung ương Vidiphar, giá niêm yết được nhà sản xuất đưa ra là 20.000 đồng/hộp. Giá bán trên thị trường có thể dao động tùy thuộc vào từng cơ sở.
Với những hiệu quả vượt trội trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa loét dạ dày – tá tràng, thuốc Sucralfate đang được sử dụng ngày càng rộng rãi. Những thông tin thuốc được đưa ra trên đây chỉ mang ý nghĩa tham khảo, người bệnh cần có thêm những chỉ dẫn cụ thể từ bác sĩ để hiệu quả điều trị đạt được là tối ưu.