Trong những trường hợp thực sự cần thiết, người bệnh gout có thể được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc giảm acid uric trong máu. Tuy nhiên những loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn nếu không được dùng đúng cách. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về nhóm thuốc này trong nội dung sau!
Khi nào cần dùng thuốc làm giảm acid uric trong máu?
Khi chúng ta tiêu thụ các thực phẩm chứa nhân purin, quá trình tiêu hóa sẽ thải sinh ra acid uric. Hoặc chất này cũng được sinh ra khi cơ thể thực hiện quá trình chuyển hóa acid nucleic tự nhiên.
Bình thường acid uric cũng có trong cơ thể nhưng khi ở nồng độ cho phép thì nó không gây hại gì cả (nam giới khoảng 1200mg, nữ giới khoảng 600mg). Nhưng nếu acid uric vượt quá ngưỡng cho phép thì nó có thể gây lắng đọng tại các khớp và các mô mềm, hình thành tinh thể muối urat gây ra các cơn đau gout cấp tính khó chịu.
Nồng độ acid uric có thể được kiểm soát qua chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Tuy nhiên có những trường hợp nghiêm trọng hoặc cần thiết thì vẫn phải dùng thuốc, đó là khi:
- Chỉ số acid uric trên mức 12-13mg/dl trong máu.
- Người đang xạ/hóa trị có nồng độ acid uric không quá cao nhưng tế bào bị hủy quá nhiều.
- Tăng acid uric gây đe dọa tim mạch.
- Acid uric quá cao khiến các cơn gút cấp tính bị khởi phát.
7 loại thuốc làm giảm acid uric trong máu được dùng phổ biến
Thuốc làm giảm acid uric trong máu có 3 nhóm là: thuốc ức chế tổng hợp acid uric, thuốc tăng khả năng thải trừ acid uric và thuốc giúp phân hủy acid uric. Tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc phù hợp nhất. Dưới đây chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn một số loại đang được dùng phổ biến nhất:
1. Allopurinol
Đây là loại thuốc nằm trong nhóm ức chế tổng hợp acid uric, có công dụng ức chế quá trình sản xuất acid uric trong máu và nước tiểu, giảm tỷ lệ lắng đọng muối urat ở khớp. Ngoài ra thuốc này cũng có thể dùng cho người bệnh đang hóa trị do ung thư có tăng nồng độ acid uric. Thuốc này cũng có thể dùng trong thời gian dài với mục đích duy trì nồng độ acid uric ổn định.
Lưu ý:
- Tuân thủ về liều lượng sử dụng của bác sĩ chuyên môn.
- Không dùng thuốc này cho người bị mẫn cảm với Allopurinol, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Không dùng khi đang sử dụng Xanturic.
- Một số tác dụng phụ có thể gặp gồm phát ban, kích thích dạ dày…
2. Febuxostat
Đây là loại thuốc nằm trong nhóm giảm tổng hợp acid uric thông qua cơ chế ức chế men xanthine oxidase-XO, dùng thay thế trong trường hợp người bệnh gút bị dị ứng với allopurinol.
Lưu ý:
- Dùng thuốc theo chỉ định chuyên môn
- Không dùng cho người bị dị ứng với thành phần thuốc, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi.
- Tác dụng phụ: Buồn nôn, đau dạ dày, phát ban da, vàng da, nước tiểu sẫm màu, gây đau tim.
3. Probenecid
Đây là loại thuốc nằm trong nhóm tăng thải trừ acid uric được dùng khá phổ biến. Thuốc này có thể kích thích bài tiết acid uric hữu cơ yếu trong ống thận để giảm acid uric trong máu. Nó cũng có thể ức chế quá trình hấp thụ acid uric để tăng nồng độ chất này bài tiết qua đường tiểu. Thường dùng Probenecid trong trường hợp tăng acid uric do gout mãn tính hoặc tăng acid uric thứ phát khi dùng thuốc lợi tiểu.
Lưu ý:
- Dùng theo chỉ định của bác sĩ
- Không dùng cho người bị dị ứng với thành phần thuốc, người đang mang thai, đang cho con bú.
- Không dùng cho trường hợp viêm khớp trong cơn gút cấp, người bị bệnh sỏi thận.\
- Tác dụng phụ: Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tiểu tiện nhiều, hội chứng thận hư, làm hoại tử gan…
4. Benzbromarone
Thuốc này giúp giảm acid uric bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thụ acid uric ở ống thận, tăng khả năng đào thải chất này ở đường ruột.
Lưu ý:
- Dùng thuốc theo chỉ định chuyên khoa
- Không dùng cho người bị mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc, người mắc bệnh gan.
- Thuốc có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, đầy bụng, tiêu chảy, nhiễm độc gan, phát ban…
5. Lesinurad
Đây là loại thuốc làm giảm acid uric trong máu bằng cách ức chế men URAT – chuyên tái hấp thụ acid urat ở ống thận, giúp giảm nồng độ acid uric trong huyết tương.
Lưu ý:
- Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
- Không dùng thuốc Lesinurad cho người bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc, người bị suy thận nặng, phải ghép thận, lọc máu…
- Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, buồn ngủ, tê ngứa chân tay, ớn lạnh, đau họng kéo dài, sốt, vàng mắt, đau bụng, chán ăn…
6. Rasburicase
Thuốc này có công dụng phá hủy urat, dùng cho người bệnh bị ung thư đang điều trị hóa chất. Thường dùng Rasburicase theo đường tiêm tĩnh mạch.
Lưu ý:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Không dùng Rasburicase cho người bị mẫn cảm với thành phần của thuốc, người bị thiếu hụt men chuyển G6PD, người bị tan máu hoặc methemoglobin huyết.
- Một số tác dụng phụ của thuốc: Buồn nôn, loét miệng, đau họng, đau đầu, sốt, lo lắng, táo bón xen lẫn tiêu chảy, sưng tay chân mắt cá, cẳng chân…
7. Pegloticase
Đây là loại thuốc nằm trong nhóm tái tổ hợp giúp giảm acid uric trong máu, thường dùng chỉ định với trường hợp bệnh gút tiến triển hoặc gút mãn tính.
Lưu ý:
- Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ
- Không sử dụng với người bị mẫn cảm với thành phần của thuốc, người thiếu hụt men G6PD, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bú, người cao huyết áp hoặc có bệnh tim mạch.
- Tác dụng phụ: Nổi mề đay ngứa ngáy, dị ứng, bầm da, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sốc phản vệ…
Lưu ý khi dùng các loại thuốc làm giảm acid uric trong máu
Thuốc làm giảm acid uric trong máu có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro hoặc biến chứng. Do đó, người dùng cần lưu ý những điều sau:
- Dùng thuốc phù hợp với tình trạng acid uric trong máu hiện tại.
- Nghiêm túc thực hiện các chỉ dẫn về thuốc của bác sĩ.
- Nếu dùng thuốc mà gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng nên ngưng dùng và báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Cách làm giảm acid uric trong máu không cần dùng thuốc
Các phương pháp này áp dụng cho trường hợp acid uric tăng nhẹ, chưa gây nguy hại đến sức khỏe:
- Tránh, hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, cá thu, cá cơm, súp lơ, măng tây..
- Uống trà xanh, ăn cà chua, sữa ít béo, cà rốt, cần tây…
- Uống nhiều nước.
- Hạn chế dùng đường, nước ngọt có ga.
- Không dùng bia rượu
- Thận trọng khi sử dụng thuốc lợi tiểu, aspirin, vitamin B3…
Trên đây là thông tin về chủ đề thuốc làm giảm acid uric trong máu. Hy vọng những kiến thức này hữu ích với bạn.