Bệnh gout mãn tính là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách chữa

Bệnh gout mãn tính đặc trưng với các cục tophi và tình trạng viêm đa khớp. Ở giai đoạn này, gout không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh mà còn có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do đó, việc chủ động trang bị những kiến thức cần thiết để phòng chống và chữa trị gout mãn tính là điều cần thiết.

Bệnh gout mãn tính là gì?

Bệnh gout mãn tính là gì?
Bệnh gout mãn tính là gì?

Gout mãn tính là giai đoạn tiến triển của bệnh gout thông thường, liên quan tới gia tăng nồng độ axit uric dư thừa trong máu, dẫn tới sự lắng đọng tinh thể muối urat tại khớp. 

Khác với gout cấp tính, đối với gout mãn tính, những cơn đau có thể xảy ra ở một số khớp, các cơn đau không diễn ra thường xuyên nhưng có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. 

Trong một số trường hợp, dấu hiệu của gout mãn tính thường bị nhầm lẫn với các bệnh xương khớp khác như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp. Điều này gây khó khăn nhất định cho quá trình điều trị bệnh. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh gout mãn tính

Một số triệu chứng điển hình của gout mãn tính bao gồm:

  • Nổi cục tophi

Đây là biểu hiện đầu tiên dễ thấy nhất ở những người bị gout mãn tính. Cục tophi là hệ quả của tình trạng lắng đọng các tinh thể muối urat ở xung quanh khớp, đầu xương sụn và màng hoạt dịch. Một số khớp thường bị ảnh hưởng đó là: khớp ngón chân cái, cổ chân, khớp gối, cổ tay, bàn tay, khuỷu tay,…

Kích thước của các cục tophi này không giống nhau, khi sờ vào có thể thấy cứng hoặc mềm, ấn vào không đau. 

  • Viêm đa khớp

Bệnh gout thường thấy ở các khớp nhỏ và có tính đối xứng như bàn ngón chân, tay, khớp gối, khớp khuỷu tay. Triệu chứng viêm thường không quá nổi bật, không gây đau nhiều, tiến triển khá chậm. 

  • Một số triệu chứng ngoài khớp 

Do sự lắng đọng của urat ở thận, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng đau ở thận. Bên cạnh đó, ở da, vùng móng tay, móng chân người bệnh có một số mảng dễ nhầm lẫn với các bệnh ngoài da thông thường.

Nếu nhận thấy một số dấu hiệu kể trên, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. 

Nguyên nhân gây bệnh gout mãn tính

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp, người bệnh cần nắm vững để chủ động phòng tránh bệnh gout mãn tính:

  • Tâm lý chủ quan 

Khi thấy những triệu chứng của bệnh gout thuyên giảm, nhiều người thường ngưng điều trị dẫn cho mầm mống của bệnh chưa được loại trừ triệt để. Sự tiến triển âm thầm của gout có thể làm cho quá trình điều trị bệnh sau này gặp rất nhiều khó khăn với các biến chứng nguy hiểm.

  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học

Việc ăn uống không điều độ, dung nạp quá nhiều thực phẩm có chứa nhân purin sẽ gia tăng hàm lượng axit uric trong máu, từ đó đẩy mạnh các phản ứng viêm ở khu vực bị tổn thương.

Do đó, thay vì ăn nhiều thịt, cá béo, hải sản,… bạn nên tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi vào thực đơn ăn hàng ngày. 

  • Lạm dụng thuốc

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến bệnh gout mãn tính. Việc sử dụng thuốc Tây trong điều trị những cơn đau gout cấp giúp cải thiện những cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, gây nên những biến chứng nghiêm trọng. 

Biến chứng nguy hiểm của bệnh gout mãn tính

Bệnh gout mãn tính nếu không được điều trị triệt để sẽ gia tăng nguy cơ gặp phải một số biến chứng sau đây:

  • Hỏng khớp, bại liệt:

Bệnh gout mãn tính với sự xuất hiện của các cục tophi tại khớp, đây là tập hợp của rất nhiều tinh thể muối urat. Các hạt tophi phát triển có thể gây ăn mòn da và làm hỏng mô sụn quanh khớp. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài có thể gây biến dạng khớp, thậm chí lại bại liệt. 

  • Tổn thương thận:

Một số nghiên cứu đã chỉ ra bệnh gout mãn tính có ảnh hưởng nhất định tới thận. Bởi sự gia tăng quá cao của nồng độ acid uric dư thừa sẽ khiến cho thận và hệ thống tiết niệu chịu nhiều áp lực. Một số vấn đề thường gặp ở thận có thể là: sỏi thận, tắc ống thận, viêm khe thận… 

  • Gia tăng các vấn đề về tim mạch, huyết áp:

Đây cũng là một biến chứng rất nguy hiểm của bệnh gout mãn tính. Sự tích tụ của các tinh thể muối urat có thể làm tắc nghẽn mạch máu. Từ đó cản trở quá trình lưu thông máu và gây ra những tổn thương trong hệ mạch, đau tim, viêm màng cơ tim.

  • Biến chứng khác:

Ngoài những biến chứng trên, người bị bệnh gout mãn tính còn có thể gặp phải một số biến chứng như: khô mắt, tầm nhìn kém, đục thủy tinh thể, rối loạn cảm xúc, viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Chẩn đoán bệnh gout mãn tính

Chẩn đoán bệnh gout mãn tính
Chẩn đoán bệnh gout mãn tính

Để chẩn đoán bệnh gout mãn tính, người bệnh sẽ trải qua quá trình thăm khám cận lâm sàng với những câu hỏi đơn giản về dấu hiệu bệnh, chế độ ăn uống, tiền sử bệnh lý và nghệ nghiệp.

Sau khi có những đánh giá ban đầu, tùy vào từng tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Kiểm tra dịch khớp
  • Chụp x – quang

Các phương pháp điều trị bệnh gout mãn tính 

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh gout mãn tính phổ biến:

Sử dụng thuốc

Dùng thuốc điều trị có thể giải trừ nhanh các cơn đau do bệnh gout mãn tính gây ra. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: Thuốc allopurinol, Thuốc Probenecid, Thuốc Pegloticase,… Ngoài ra, tùy theo thể trạng và mức độ bệnh của mỗi người mà bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc khác. Trong quá trình điều trị bệnh gout bằng thuốc, người bệnh cần lưu ý tuyệt đối tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra.

Xây dựng và thực hiện chế độ ăn khoa học

Mặc dù không thể điều trị bệnh dứt điểm, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy một chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng đối với hiệu quả chữa trị gout mãn tính.

Một số lưu ý về chế độ ăn uống mà người bệnh cần lưu tâm bao gồm:

  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều đạm, có chứa nhân purin như thịt bò, cá béo, hải sản,…
  • Uống đủ nước
  • Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi trong các bữa ăn hàng ngày
  • Hạn chế đồ chiên, rán nhiều dầu mỡ
  • Nói không với bia, rượu, thuốc lá,…

Phẫu thuật

Bác sĩ thường cân nhắc chỉ định phẫu thuật khi hạt tophi tại khớp phát triển quá mức. Hơn nữa, bệnh tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm do hệ thống thần kinh và các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên phương pháp này tốn khá nhiều chi phí và tiềm ẩn rủi ro nên người bệnh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định thực hiện. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh gout mãn tính

Để chủ động phòng ngừa bệnh gout mãn tính, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây:

  • Khi có triệu chứng của bệnh gout cần đến ngay các cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. 
  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, tăng cường rau củ quả tươi. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu purin như nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ, bia rượu…
  • Uống đủ nước mỗi ngày để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đào thải axit uric của thận.
  • Nghỉ ngơi hợp lý
  • Tuân thủ về chỉ định khi sử dụng các loại thuốc điều trị từ bác bác, không tự ý tăng, giảm liều. 
  • Tích cực luyện tập cho các khớp với các động tác nhẹ nhàng

Trên đây là những thông tin về bệnh gout mãn tính, hy vọng đã mang đến cho quý độc giả những kiến thức sức khỏe hữu ích. Khi bị bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị với những phương pháp phù hợp nhằm ngăn chặn biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 

Bài viết được đề xuất